Tin tức liên quan
- Cách làm cá chốt kho sả ớt thơm lừng, không bị tanh, dễ làm tại nhà ‼️!
- Cá chim biển có bao nhiêu loại? Cùng tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của cá chim
- So sánh 2 cách làm món ếch chiên: Nồi chiên không dầu và chảo chống dính
- Tìm hiểu về cá chép giòn: Khác với cá chép thường như thế nào?
- Cá trê kho hành nghệ đậm đà, cực đưa cơm
Mùa nước nổi vớt cá bống trứng kho tiêu
Mùa nước nổi về mang theo phù sa và sản vật trù phú, cũng là lúc người dân miền Tây bước vào mùa vụ làm ăn mới. Gia đình anh Nguyễn Phú Cường (1989) ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang những ngày này đang tận hưởng cuộc sống thanh bình của vùng quê, đánh bắt cá theo nhịp chảy dòng nước phù sa tràn về.
Anh Cường cho biết ngoài làm nghề trang trí nội thất, anh còn đam mê quay các video về đời sống, ẩm thực như gửi chút tâm sự trải lòng về quê hương cho người xem gần xa thông qua kênh Youtube Miền Tây Discovery.
Những con cá nhỏ bằng ngón tay út, với màu nâu nhạt trên lưng, vệt hơi đen sậm nhưng bụng thì căng tròn vì mang hai túi trứng vàng nhìn rõ từ bên ngoài.
Khi nước trên sông Hậu dần nhuốm đỏ phù sa, đứng trên bờ sông ở Đông Thạnh nhìn xuống, có thể dễ thấy một dải nước đỏ giữa hai làn nước bạc lấp lánh. Theo anh Cường, vài tuần nữa, khi mưa nhiều hơn, con nước đỏ hết mặt sông mới mang dòng phù sa vào các kênh rạch nội đồng.
Lúc đó, người địa phương gọi là mùa nước son cũng là lúc cá bống trứng vào lứa đẻ. Chúng có tập tính chỉ nổi vào lúc trời sụp tối và phải lúc nước chảy nhẹ ngược lại. Cá sống bám theo các thảm lục bình hay lá rơi trên mặt nước để đẻ trứng, cá sẽ nổi nhiều nhất vào tháng 7-8 Âm lịch và giảm dần khi hết mùa nước son. Do đó, người dân chỉ được thưởng thức các món ăn từ loại bống trứng trong thời gian ngắn.
Nhà anh Cường nằm yên bình bên con đường làng chạy song song theo dòng nước chảy nên việc đánh bắt cá bống trứng cũng thuận lợi. Đầu tháng 9 vừa rồi, anh cùng một người bạn chuẩn bị xuồng nhựa và đồ nghề để vớt cá.
"Tôi và anh Thắng ngồi trên xuồng, chỉ cần đèn, rổ hoặc cây vợt lưới dài khoảng 2 m là có thể vớt được cá. Chúng tôi đổ cá trên đáy xuồng có chút nước, cá trườn nhảy trông thật ham. Đêm đó vớt được một kg cá bống trứng tươi rói", anh nói.
Người dân bắt cá bống trứng bằng rổ, vợt lưới hoặc đặt vó, chủ yếu bắt vừa đủ đem về ăn bữa cơm. Đối với các hộ sống bằng nghề thì đóng đáy trên các tuyến sông lớn và đặt dớn trên các rạch nhỏ để bắt nhiều cá hơn. Tùy dòng nước lớn nhỏ, mỗi ngày có thể bắt được 5-8 kg, còn nhiều thì đến vài chục kg. Do đang ảnh hưởng của Covid-19 nên giá cá bống trứng mang ra chợ bán khá rẻ, 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi những năm trước bán được 100.000 đồng/kg.
Cá sau khi bắt mang về chà vào rổ tre rồi mới cắt mang, đuôi và chế biến thành các món như tẩm bột chiên, chấm nước mắm chua hoặc chiên nhạt nguyên con và ăn kèm rau sống. Tuy nhiên, ngon nhất là cá bống trứng kho tiêu.
Những ngày mưa tầm tã, đem cá làm sạch cho vào chảo nhỏ để kho khô. Muốn cho nồi cá kho thật ngon phải ướp ít đường, nước màu dừa, nước mắm rồi để một lát cho cá thấm gia vị, không bị bở thịt. Trong lúc kho, thỉnh thoảng xóc đều, cho thêm chút tiêu xay và ớt cắt miếng mỏng. Loài cá này ngon nhất là ở cặp trứng vàng ươm, khi kho khô trứng cá săn lại, cứng, bùi, béo và thơm, ăn với cháo nóng thì không còn gì ngon bằng.
"Mùa cá bống trứng dần trở thành kỷ niệm quý giá của những người sinh ra và lớn lên từ đồng ruộng miền Tây. Đã bao mùa nước son âm thầm đi qua, tôi chợt nhận ra loài cá này là một phần cuộc sống gia đình. Một mùa bống trứng mùa nước son nữa lại về, có dịp mời bạn về quê tôi bắt cá bống trứng mang đến trải nghiệm nhịp sống khó quên trên sông nước", anh Cường chia sẻ.
Nguồn: vnexpress
Ảnh, video: Miền Tây Discovery, Internet
Tham khảo sản phẩm Cá bống trứng làm sạch giá tốt tại Casach.vn
Kết nối với chúng tôi